Tôi là nam,ưtriệumỗithángnêngửitiếtkiệmhaymuavànhà bà nữ năm nay 29 tuổi, đã có vợ cùng tuổi. Hiện tại, tôi làm cho doanh nghiệp và có một công ty nhỏ do vợ quản lý. Mỗi tháng, sau khi trừ hết chi phí, vợ chồng tôi dư 50-70 triệu đồng.
Với tình hình kinh tế như hiện nay, tôi nhờ chuyên gia tư vấn nên để khoản tiền dư này vào đâu nhằm tránh lạm phát. Tôi đang phân vân hai kênh: gửi ngân hàng và mua vàng. Với gửi ngân hàng, tôi thấy lãi suất thấp, sợ không đủ bù lạm phát. Với mua vàng, tôi thấy chênh lệch giá trong nước và thế giới cao, hơn nữa giá vàng đang tăng sợ vào "đu đỉnh".
Những kênh khác như chứng khoán, tôi không muốn đầu tư trong giai đoạn biến động này vì từng có trải nghiệm và cảm nhận mình không đủ khả năng để "lấy tiền" của thị trường. Bất động sản hiện tại thì tôi không đủ vốn, hơn nữa cũng đã sở hữu căn hộ để ở và một vài bất động sản nhỏ nên giai đoạn này ngại rủi ro dòng tiền.
Huy
Chuyên gia tư vấn:
Qua câu hỏi của bạn, tôi có thể nhận ra bạn đã có sự tìm hiểu và có trải nghiệm cá nhân trong các kênh đầu tư. Vì thế, tôi sẽ đưa ra góc nhìn tổng quan về hai kênh bạn đang quan tâm là tiền gửi ngân hàng và vàng, đồng thời gửi đến bạn một vài thông tin liên quan đến kênh đầu tư khác.
Trước khi xác định kênh đầu tư phù hợp cho phần thặng dư hàng tháng là 50-70 triệu đồng, tôi giả định bạn đã có kế hoạch tài chính và hoàn toàn có thể sử dụng hết thặng dư vào đầu tư.
Về kênh tiền gửi ngân hàng và vàng, cả hai kênh đều có ưu điểm là an toàn, bảo vệ và gia tăng giá trị vốn. Như bạn nhận định, với tình hình lãi suất tiền gửi hiện tại chỉ quanh mức 5-6% một năm, tiềm năng sinh lợi từ việc gửi tiết kiệm ngân hàng có thể bị hạn chế do ảnh hưởng lạm phát, tuy nhiên bạn có thể cân nhắc thêm sản phẩm chứng chỉ tiền gửi tại một số ngân hàng.
Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá, được các ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức hoặc cá nhân. Chứng chỉ này như một sổ tiết kiệm mà bạn gửi vào ngân hàng. Số tiền bạn gửi vào sẽ được để trong một thời gian nhất định. Khi đó, ngân hàng sẽ trả lãi suất định kỳ cho số tiền gửi của bạn. Lãi suất thường cao hơn so với các hình thức tiết kiệm thông thường nhưng bạn không được phép rút tiền từ tài khoản trước khi hết hạn hợp đồng. Trong trường hợp bạn rút tiền trước hạn, bạn sẽ bị phạt một khoản phí tùy theo điều kiện và thỏa thuận giữa bạn và ngân hàng. Một số nhà băng cho phép bạn "sang nhượng" lại chứng chỉ này và nhận lãi theo ngày. Tuy vậy, việc có người nhận sang nhượng sẽ tùy thuộc rất lớn vào tình hình thị trường có đủ hấp dẫn hay không.
Có thể thấy lợi điểm của sản phẩm này là lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm thông thường. Nhược điểm là kỳ hạn lâu (trung và dài hạn), tính thanh khoản không cao, không có tính linh hoạt và bạn sẽ không tận dụng được các nhịp lãi suất tiết kiệm hấp dẫn như thời điểm đầu năm nay.
Về vàng, đây là kênh đầu tư trú ẩn, công cụ phòng thủ trước lạm phát và khi tình hình địa chính trị bất ổn. Giá vàng trong nước vẫn trong xu hướng tăng và đang dao động quanh mốc 70 triệu đồng một lượng dù giá thế giới có xu hướng giảm. Hiện giá vàng giữa hai thị trường chênh lệnh hơn 10 triệu đồng mỗi lượng.
Giá kim loại quý trong nước tăng cao được các chuyên gia giải thích do từ lâu không được nhập khẩu, nguồn cung khan hiếm. Ngoài ra, giá USD tăng cũng là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng. Hơn nữa, vàng trong nước tăng còn do tâm lý, tình hình lãi suất trong bối cảnh hiện tại, tính thiếu ổn định của địa chính trị như lo ngại xoay quanh cuộc xung đột Israel - Hamas.
Tôi cho rằng đây vẫn là kênh đầu tư tạo ra lợi nhuận ổn định. Theo thống kê của quỹ Dragon Capital, từ năm 2000 đến năm 2021, lợi nhuận trung bình của kênh này là 9% một năm. Tuy nhiên, với nền giá của vàng trong nước đang ở mức cao, bạn nên cân nhắc chỉ phân bổ một phần tỷ trọng của thặng dư hàng tháng vào kênh này để tối ưu hóa lợi nhuận của tổng danh mục và giảm thiểu rủi ro về mặt hệ thống.
Ngoài ra, do thiếu thông tin về danh mục tài sản của bạn, tôi chưa đánh giá được tính hợp lý và hiệu quả danh mục bất động sản. Tuy nhiên bất động sản vẫn là kênh có khả năng sinh lời ổn định và khá cao trong dài hạn. Với dòng tiền thặng dư ổn định và tốt hiện tại, bạn có thể cân nhắc sử dụng đòn bẩy tài chính để mua nhà, đất. Sử dụng đòn bẩy sẽ hợp lý khi lãi suất bạn vay thấp hơn tiềm năng tăng trưởng của bất động sản mua.
Ví dụ, khi bạn vay ngân hàng ở mức lãi suất trung bình 9% một năm, trong khi tăng trưởng của bất động sản dân sinh tại các thành phố lớn thường rơi vào mức trung bình 11-12% một năm, tức bạn đang sử dụng "đòn bẩy" để gia tăng thêm tài sản của gia đình. Ngược lại, khi lãi suất vay cao hơn tiềm năng tăng trưởng của bất động sản, đồng nghĩa bạn không nên sử dụng đòn bẩy. Với tình hình lãi suất vay đang ở mức có thể xem là hấp dẫn và dự đoán sẽ ổn định ở nền này, việc sử dụng đòn bẩy tài chính để tích lũy tài sản là khá hợp lý và bạn nên cân nhắc.
Nguyễn Thị Thùy Chi
Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân tại
Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT